Vi bằng thừa phát lại là gì?
Vi bằng thừa phát lại là một tài liệu (có đính kèm hình ảnh, âm thanh, video, văn bản, giấy tờ) ghi nhận trung thực, chính xác những lời nói, hành động, sự vật, sự việc,… mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.
Vi bằng được lập theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, là căn cứ để thực hiện các giao dịch dân sự khác, có giá trị chứng cứ trong quá trình xét xử của Tòa án và các quan hệ pháp lý khác.
Dịch vụ thừa phát lại lập vi bằng
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định Vi bằng có giá trị bắt buộc nhưng dựa trên thực tiễn nhu cầu khách hàng và giá trị pháp lý mà Vi bằng mang lại thì có các trường hợp nên lập Vi bằng như sau:
– Lập vi bằng ghi nhận hiện trạng tài sản trước khi bị thu hồi đất: Trước khi nhà nước tiến hành thu hồi đất thì theo đúng thủ tục sẽ phải có bước kiểm đếm tài sản tuy nhiên trong trường hợp để đảm bảo chắc chắn không có sai sót bạn có thể lập Vi bằng về vấn đề này. Bên cạnh việc kiểm đếm của cơ quan nhà nước thì việc ghi nhận hiện trạng tài sản trước khi bị thu hồi sẽ là một trong các căn cứ xác định giá trị tài sản của bạn trước khi bị thu hồi. Trường hợp cho rằng sai sót xảy ra bạn có thể dùng Vi bằng làm chứng cứ để làm việc tại các cơ quan nhà nước.
– Lập Vi bằng ghi nhận hiện trạng tài sản trước khi bị cưỡng chế thi hành án: Tương tự như trường hợp lập Vi bằng ghi nhận hiện trạng tài sản trước khi bị thu hồi thì trong trường hợp này Vi bằng cũng sẽ có giá trị là chứng cứ. Trong trường hợp tài sản của bạn được thi hành án thì Vi bằng sẽ được coi là một căn cứ xác định phần bạn có thể nhận lại là bao nhiêu hoặc tài sản đó được định giá đã phù hợp chưa. Một số trường hợp sau khi bị cưỡng chế thì tài sản không được bảo quản đúng quy trình nên gây hư hại, ảnh hưởng đến giá trị tài sản do đó nếu lập Vi bằng trước khi thu hồi sẽ có căn cứ chứng minh các tổn hại (nếu có).
– Ghi nhận hiện trạng tài sản trước khi Ngân hàng thu giữ tài sản để xử lý nợ: Vi bằng trong trường hợp này sẽ ghi nhận các nội dung cơ bản như thời điểm lập Vi bằng; số lượng tài sản; hiện trạng tài sản ( tài sản có bị hư hỏng hay không? Hư hỏng cụ thể như thế nào?).
– Lập Vi bằng ghi nhận việc giao nhận tài sản, giao nhận tiền khi mua nhà đất: Khi mua nhà đất bên cạnh việc lập hợp đồng chuyển nhượng theo đúng quy định pháp luật thì các bên nên lập Vi bằng đối với các giao dịch hoặc hành vi liên quan. Các Vi bằng có thể được lập như Vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền, tài sản của các bên hoặc Vi bằng ghi nhận hành vi đặt cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.
– Lập Vi bằng ghi nhận hành vi vu khống, nói xấu trên mạng xã hội: Vi bằng ghi nhận hành vi vu khống, nói xấu trên mạng xã hội là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật. Thừa phát lại sẽ xác nhận nội dung các dữ liệu điện tử liên quan đến hành vi vu khống và nói xấu sau đó mô tả lại trong Vi bằng kèm theo các tài liệu hỗ trợ như chụp ảnh, video….
– Lập Vi bằng ghi nhận việc thỏa thuận mua bán tài sản: Đối với hợp đồng mua bán tài sản thì theo quy định của pháp luật nếu không phải là bất động sản hoặc tài sản phải đăng ký thì thủ tục mua bán không nhất định phải tuân thủ về hình thức. Do đó, khi các bên giao nhận hàng thường chỉ làm giấy viết tay hoặc thỏa thuận miệng nên nếu tranh chấp xảy ra sẽ rất khó để chứng minh. Để bảo về quyền lợi của bản thân khi thỏa thuận mua bán tài sản các bạn nên yêu cầu Thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi.
– Vi bằng ghi nhận phiên họp Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban giám đốc Công ty: Trong quá trình diễn ra phiên họp, Thừa phát lại sẽ ghi nhận toàn bộ diễn biến của cuộc họp, thời điểm phiên họp, những người tham gia, ý kiến của từng người về cuộc họp….. Vi bằng được lập trong trường hợp này sẽ có giá trị rất lớn trong trường hợp có sai sót hoặc tranh chấp xảy ra sau phiên họp của công ty.
– Lập Vi bằng ghi nhận việc đặt cọc: Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì “Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc sẽ được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Ngược lại, bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc. Theo quy định của Bộ luật dân sự thì đặt cọc được coi là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và khi một bên không thực hiện theo thỏa thuận sẽ phải chịu những chế tài nhất định. Tuy nhiên, để buộc bên vi phạm thực hiện thỏa thuận thì phải có chứng cứ chứng minh và Vi bằng được coi là một căn cứ hợp pháp phù hợp với quy định pháp luật.
– Lập Vi bằng ghi nhận việc gửi giữ tài sản: Gửi giữ tài sản sẽ khiến cho đối tượng gửi giữ không trực tiếp nằm dưới sự quản lý và chiếm hữu của bên gửi giữ. Do đó, nếu các bên không thỏa thuận rõ và ghi nhận thành văn bản hợp pháp thì việc nhận lại tài sản sẽ gặp một số khó khăn thậm chí xảy ra tranh chấp. Một số trường hợp có thể xảy ra như: Bên nhận gửi giữ không chịu trả lại tài sản hoặc yêu cầu trả chi phí cao hơn thỏa thuận ban đầu….. Để giải quyết các tình huống này thì thực hiện lập Vi bằng sẽ là giải pháp hữu ích.
– Lập Vi bằng ghi nhận website, thông tin hình ảnh trên mạng internet: Hiện nay, việc các trang web trên mạng internet đăng tải thông tin sai sự thật hoặc sử dụng hình ảnh trái phép xảy ra khá phổ biến. Các bên bị thiệt hại muốn tiến hành các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình nhưng khó thu thập được chứng cứ do dữ liệu điện tử có thể bị xóa đi nhanh chóng. Khi rơi vào trường hợp nói trên các bạn có thể yêu cầu Thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận website, thông tin hình ảnh trên mạng internet.
Ngoài ra, trên thực tiễn cũng cho thấy còn các trường hợp nên lập Vi bằng khác như: Lập Vi bằng xác nhận tài sản trước khi ly hôn, thừa kế; Lập Vi bằng xác nhận việc chậm trễ trong thi công công trình; Lập Vi bằng xác nhận tình trạng công trình khi nghiệm thu; Lập Vi bằng ghi nhận việc báo chí đưa tin sai sự thật; Lập Vi bằng ghi nhận việc sử dụng thông tin hình ảnh người khác trái pháp luật; Lập Vi bằng ghi nhận hành vi gây thiệt hại tài sản, hiện trạng tài sản; Lập Vi bằng ghi nhận vi phạm nhãn hiệu, bản quyền; Lập Vi bằng ghi nhận việc gửi thông báo…
Để xác định được yêu cầu của mình thuộc vào trường hợp nào và có thể lập Vi bằng hợp pháp hay không Quý khách vui lòng liên hệ hotline: 1900.0164 để được tư vấn/hỗ trợ.